NÁM: NGUYÊN NHÂN, CÁCH PHÒNG NGỪA VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

1. Khái niệm về nám da

Nám da là tình trạng rối loạn tăng sắc tố phổ biến, đặc trưng bởi các mảng hoặc đốm sắc tố màu nâu, đen. Nám khiến nhiều người mất tự tin về vẻ ngoài của mình. Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD) cho biết, 90% người bị nám là phụ nữ, chỉ 10% trường hợp gặp ở nam giới.

Lưu ý: Nám không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Hiện nay, có rất nhiều quảng cáo có thể điều trị hoàn toàn nám – điều đó là hoàn toàn sai.

2. Nguyên nhân gây nám da

Như chúng ta biết, cấu trúc của da bao gồm 3 lớp: thượng bì, trung bì và hạ bì. Ngoài ra, dưới hạ bì có một lớp hàng rào gọi là màng đáy, tại màng đáy có tế bào gọi là tế bào melanocytes, tế bào này sẽ sinh ra các hạt melanin. Hạt melanin sẽ di chuyển lên bề mặt da, từ đó tạo ra sắc tố trên bề mặt da. Tùy từng người mà hạt sắc tố đó sinh ra nhiều hay ít để bảo vệ da.

Khi da chịu tác động của tia UV từ bên ngoài, hạt melanin sẽ hấp thụ tia UV để ngăn chặn tia UV gây tổn thương đến tế bào da. Nếu không có hàng rào của hạt melanin thì tia UV sẽ xâm nhập vào trong da, làm đứt gãy sợi collagen, gây ra lão hóa (nhăn da), có những trường hợp gây tổn thương tế bào da. Như vậy có thể thấy, các sắc tố sinh ra là để bảo vệ da.

Tia UV là nguyên nhân trực tiếp gây ra nám.

3. Phân loại nám da

Theo phân loại lâm sàng, nám da chia thành: nám nông, nám sâu và nám hỗn hợp.

  • Nám nông

Nám nông (nám mảng) hình thành do các tế bào melanocyte đưa sắc tố melanin vào trong lớp tế bào sừng. Loại nám này có màu nâu nhạt, chân nông, nằm ở thượng bì hoặc lớp da ngoài cùng, thường tập trung thành từng mảng nhỏ. Nám nông xuất hiện chủ yếu ở trán, hai bên gò má, mũi và cằm, với đường viền rõ rệt dễ phân biệt với vùng da xung quanh.

  • Nám sâu

Nám sâu có màu nâu nhạt đến đen sẫm, đường viền mờ. Chân nám nằm sâu dưới da do tế bào melanocyte đẩy sắc tố melanin từ trung bì vào sâu bên trong. Loại nám này xuất hiện theo từng đốm, chấm tròn nhỏ tương tự như vết thâm sau mụn. Nám đốm thường gặp ở phụ nữ trên 30 tuổi, người trong thời kỳ tiền mãn kinh.

  • Nám hỗn hợp

Nám hỗn hợp là loại phổ biến nhất, bao gồm nám nông và nám sâu, xuất hiện rải rác chủ yếu ở trán, hai bên gò má, mũi, vùng da quanh mắt. Nám hỗn hợp có chân nằm sâu, màu sắc và kích thước không đồng đều. Đây là loại nám khó điều trị nhất.

4. Phòng ngừa và phương pháp điều trị nám da

Như đã trình bày ở trên, nguyên nhân gây ra nám là do tia UV. Để phòng ngừa nám, thực chất là tìm cách ngăn cho làn da không tiếp xúc với tia UV. Một trong những phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay là thường xuyên sử dụng kem chống nắng. Cần thoa kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30, từ 15 – 30 phút trước khi đi ra ngoài. Ngoài ra, khi ra ngoài nắng cần có biện pháp che chắn cho da: đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, mắt kính râm,…

Có thể thấy rằng, việc điều trị nám thực chất là tìm cách kiểm soát hoặc loại bỏ các tế bào sắc tố không mong muốn trên da. Có thể khẳng định rằng, việc điều trị nám tận gốc như những quảng cáo hiện nay là hoàn toàn không có cơ sở.

Về phương pháp để điều trị nám cơ bản là giống nhau. Ngoài kem chống nắng, chúng ta còn có thể sử dụng viên uống chống nắng, dùng khẩu trang che nắng, hay dùng áo chống nắng,… tất cả đều hỗ trợ, quan trọng nhất vẫn là kem chống nắng. Bản chất của viên uống chống nắng là tạo ra một màng bảo vệ, có tác dụng chống oxy hóa, khỏi những tia UV chiếu vào. Tuy nhiên, không có hiệu quả bằng kem.

Thực tế cho thấy, khi da không sản sinh ra sắc tố để bảo vệ, da sẽ sinh ra các đốm trắng trên da (hiện tượng mất sắc tố). Việc điều trị tận gốc như quảng cáo hiện nay là rất nguy hiểm. Ví dụ, nhiều người điều trị bằng laser, do không được điều trị đúng cách, sau khi điều trị, da bị mất sắc tố tạo ra đốm trắng trên bề mặt da – điều này thực sự rất nguy hiểm.

Khi hiểu được cơ chế của nám là do các hạt melanin sinh ra các hạt sắc tố, các hạt sắc tố đó sẽ di chuyển lên bề mặt da và hấp thụ tia UV. Như vậy, ánh nắng (tia UV) càng chiếu nhiều thì hạt melanin càng sinh ra nhiều. Khi hiểu được bản chất của melanin được sinh ra để bảo vệ da, ta sẽ có các biện pháp ngăn ngừa và điều trị hiệu quả.

Một số lưu ý

  • Trong quá trình điều trị nám nếu không có biện pháp che chắn bảo vệ da khỏi tia UV thì chắc chắn nám sẽ quay lại.

  • Sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không chứa thành phần gây kích ứng da.

Khi tế bào sắc tố đã sinh ra và di chuyển lên trên bề mặt da gây ra nám. Vậy làm gì để loại bỏ nám?

Hiện nay có 3 phương pháp được biết đến trong điều trị nám:

  • Phương pháp thứ nhất – sử dụng TCA (Trichloroacetic Acid)

Nhiều người muốn lấy tế bào sắc tố đi một cách nhanh chóng, thường tìm đến các sản phẩm không thực sự an toàn ví dụ như: TCA – điều này thực sự là không nên.

TCA có tác dụng nhanh, chấm là bong. Tuy nhiên, nó có nguy cơ làm toàn bộ lớp bảo vệ da cũng mất đi. Khi đó, nếu có tia UV chiếu vào, da không còn được bảo vệ thì ngay lập tức, melanin lại sinh ra và làm tăng sắc tố trở lại ở trạng thái đậm hơn. Có thể khẳng định đây là một phương pháp rất nguy hiểm, tuyệt đối chúng ta không nên sử dụng phương pháp chấm nám để điều trị. Trường hợp chấm TCA, nếu nám xuất hiện trên bề mặt da ở dạng li ti thì ít ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nám ở sâu (trung bì) thì phương pháp này làm tổn thương cho da.

  • Phương pháp thứ hai – Peel da

Peel da, bản chất là dùng axit, nhưng ở nồng độ thấp hơn (ví dụ như axit glycolic, axit salicylic). Nguyên tắc của peel da bao gồm 3 giai đoạn: giai đoạn tiền peel, giai đoạn peel và giai đoạn hậu peel.

Tiền peel: Bôi dự phòng một sản phẩm có thể bảo vệ da khi sắc tố bị bong da khi peel (cần bôi trước khoảng 2 tuần – có thể sử dụng Hydroquinone nồng độ 2%).

Peel da: Quá trình peel cần dùng một lớp axit rất mỏng để bong từ từ từng ít một trên bề mặt da. Phương pháp peel thích hợp để điều trị nám mảng hoặc tàn nhang.

Cần peel nhiều lần, cách nhau từ 10–14 ngày để đảm bảo da vẫn được bảo vệ khỏi tia UV. Quá trình điều trị cần có thời gian, sắc tố trên da cần được loại bỏ từ từ. Nếu chúng ta lấy ồ ạt sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng tăng sắc tố. Lưu ý: peel da vẫn có nguy cơ tăng sắc tố đối với một số trường hợp.

Hậu peel da: Giai đoạn này, da cần phục hồi nhanh để da nhanh khỏe lại, ít có nguy cơ tăng sắc tố. Nhược điểm của phương pháp peel da là cần có thời gian dài mới có hiệu quả.

  • Phương pháp thứ ba – dùng laser

Phương pháp laser đòi hỏi có thiết bị tốt cùng con người có chuyên môn và kỹ năng tốt. Nguyên tắc của laser là phá vỡ cấu trúc của các hạt melanin tạo điều kiện cho hệ thống bạch cầu (tế bào máu) đến ăn dần các mảnh vỡ của tế bào sắc tố, làm da sáng dần theo thời gian (1 đến 3 tháng). Cần có thời gian để tế bào bạch cầu ăn dần những tế bào sắc tố trên.

Bản chất của laser có bước sóng 1064, trực tiếp tác động vào tế bào sắc tố, sau đó làm cho tế bào sắc tố vỡ nhỏ ra.

Lưu ý: Laser có rất nhiều loại. Ví dụ: máy đến từ Trung Quốc có giá thành rẻ (30–150 triệu), máy của Hàn Quốc đắt hơn (500–700 triệu), máy của châu Âu (Đức), Mỹ tầm 2 đến 3 tỷ. Có những máy ví dụ như máy Laser Pico thì tầm 6 đến 7 tỷ. Cùng là tên laser Anzac (laser điều trị nám), máy rẻ tiền khác, máy đắt tiền khác. Máy đắt tiền điều trị gần như không đau (mức độ đau ít).

Khuyến cáo khi điều trị nám da

Đối với nám nhẹ

  • Sử dụng azelaic acid (20%) điều trị nám ở mức độ nhẹ

    • Ưu điểm: Giá thành rẻ

    • Nhược điểm: Cần thời gian dài – trung bình từ 4–6 tháng mới có hiệu quả

  • Sử dụng kết hợp arbutin, serum C (10%), tranexamic acid

    • Ưu điểm: Hiệu quả tốt trong điều trị nám

    • Nhược điểm: Giá thành cao

Đối với nám nặng

  • Sử dụng các sản phẩm có chứa các thành phần sau: fluocinolone acetonide 0.01%, hydroquinone 4%, tretinoin 0.05% (kem Trinuma)

Các bước điều trị cụ thể như sau:

  • Bước 1: Bôi cách ngày

  • Bước 2: Bôi hàng ngày – Đạt hiệu quả 50–60%

  • Bước 3: Giảm liều bôi: cách ngày kết hợp với arbutin, serum C (10%), tranexamic acid

Lưu ý quan trọng khi điều trị

  • Tuyệt đối không dừng đột ngột để ngăn dội lại nám

  • Da dầu dùng thì nên dùng axit salicylic

  • Da khô thì nên dùng axit glycolic

  • Khi dùng kem Trinuma thường xảy ra tình trạng kích ứng da, do đó cần phục hồi da, cần bôi kem dưỡng HA, kem dưỡng (ít nguy cơ kích ứng da)

  • Ngoài bôi bên ngoài: có thể kết hợp với uống (ví dụ dùng L-Glutathione, axit alpha lipoic và vitamin C)

TS. Nguyễn Văn Tuấn
Phòng Nghiên cứu và Phát triển, Nhà máy mỹ phẩm Hoàng Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *